GÕ DẤU CÂU SAO CHO CHUẨN!

Spinning

Đang tải tài liệu...

Nỗi sợ hãi của Giaovienvietnam.com là những người tự xưng thầy mở lớp đào tạo về “content” mà điều cơ bản – gõ dấu câu sao cho chuẩn thì lại không dạy. Xong các anh, chị phóng viên, dân làm “content” viết cho người ta đọc mà dấu má cứ bay “va-lung-tung”. Hoặc các nghệ sỹ, các bạn trẻ… cứ thoải mái gõ dấu câu vô tội vạ, thích để đâu là thả ở đó. Mà có lần xem sách giáo khoa, mình thấy dấu câu cũng bị đặt… thiếu chuẩn xác.
Thôi, không thay đổi được tất cả thì mong rằng, ít nhất những ai xem bài viết này sẽ có ý thức hơn khi gõ dấu câu.
Dấu chấm (.), dấu phẩy (,), dấu hai chấm (:), dấu chấm phẩy (;), dấu ba chấm (…), dấu hỏi (?), dấu chấm than (!) được đặt ngay sau chữ cái trước nó. Tiếp đến là cách một khoảng trống rồi gõ chữ cái khác.
* ĐỪNG:
Em đi học . Mẹ đi làm. Còn con mèo , con cún ở đâu ?
Em đi học.Mẹ đi làm. Còn con mèo ,con cún ở đâu ?
Em đi học .Mẹ đi làm .Còn con mèo ,con cún ở đâu ?
– Mà HÃY gõ chuẩn:
Em đi học. Mẹ đi làm. Còn con mèo, con cún ở đâu?
* Cũng ĐỪNG:
Tôi thích nhiều loại hoa như : hoa hồng, hoa lan , hoa mai … Chúng đẹp lắm !
Tôi thích nhiều loại hoa như :hoa hồng,hoa lan ,hoa mai …Chúng đẹp lắm !
– Mà HÃY:
Tôi thích nhiều loại hoa như: hoa hồng, hoa lan, hoa mai… Chúng đẹp lắm!
-> Hãy chú ý đặt dấu ngay sát chữ cái đứng trước, xin nhắc lại là ngay sát. Sau đó, hãy cách một khoảng trống, nhớ là một khoảng thôi, không cần hơn.
Đối với dấu ngoặc đơn () và dấu ngoặc kép “”, thanh dấu đầu tiên đi liền với chữ cái phía sau và thanh dấu thứ hai đặt ngay sát chữ cái đằng trước.
– ĐỪNG:
Ông B ( Giám đốc công ty ) nói: ” Tôi rất vui”.
Ông B ( Giám đốc công ty) nói:”Tôi rất vui “.
Ông B (Giám đốc công ty ) nói: ” Tôi rất vui “.
– Mà HÃY:
Ông B (Giám đốc công ty) nói: “Tôi rất vui”.
Tiếng Việt chỉ có một chấm (.), hai chấm (:) và ba chấm (…). Thế nên, đừng sáng tạo các thể loại bốn chấm trở lên rồi bảo viết thế là để nhấn mạnh!
– ĐỪNG:
Tôi muốn bay lên ….
Tôi muốn bay lên……
Tôi muốn bay lên..
– Mà HÃY:
Tôi muốn bay lên… (ba chấm, xin nhắc lại ba chấm là đủ rồi, đừng thêm hay bớt chấm nữa)
Dấu gạch ngang (-) cách chữ cái đứng trước một khoảng trống và cách chữ cái đứng sau cũng một khoảng trống.
– ĐỪNG:
A -một bạn trẻ người Việt
A- một bạn trẻ người Việt
A-một bạn trẻ người Việt
– Mà HÃY:
A – một bạn trẻ người Việt
* Lưu ý: Dấu gạch ngang khác dấu gạch nối. VD: vắc-xin, Covid-19, pít-tông… -> đây là dấu gạch nối dùng chuẩn.
Sau dấu hỏi (?) hoặc dấu chấm than (!), đừng đặt dấu chấm nữa.
– ĐỪNG:
Tại sao bạn lại vắng mặt?.
Trời hôm nay đẹp quá!.
– Mà HÃY:
Tại sao bạn lại vắng mặt?
Trời hôm nay đẹp quá!
-> Chừng đó là đã đầy đủ rồi.
Ở câu trích dẫn, quy tắc đặt dấu đầy đủ là [“… abc xyz.”.] nhưng có thể giản lược thành [“… abc xyz”.] (bỏ bớt dấu chấm trước dấu ngoặc kép thứ hai, xong đặt dấu chấm sau dấu ngoặc kép thứ hai).
– ĐỪNG:
A nói: “Con mèo kia thật dễ thương.” Còn B nói: “Con cún này cũng vậy .” -> Ủa, thế trên kia là 1 câu hay 2 câu vậy quý vị!? Mà “Con mèo kia thật dễ thương.” mới là hết ý của vế thứ hai; chứ chưa kết thúc cả câu.
– Mà HÃY:
A nói: “Con mèo kia thật dễ thương”. Còn B nói: “Con cún này cũng vậy”.
Với dấu gạch chéo, có hai cách gõ:
7.1. a/a (dấu / liền sát chữ cái đứng trước và đứng sau nó);
7.2. a / a (có một khoảng trống trước và sau dấu /).
– ĐỪNG:
con chó/ con mèo
con chó /con mèo
con chó / con mèo
– Mà HÃY:
“con chó/con mèo” hoặc “con chó / con mèo”
Hi vọng rằng, mấy điều nho nhỏ này sẽ giúp bạn trông chuyên nghiệp hơn hẳn khi trình bày văn bản!
Nguồn: Tu An 
Không thẻ bỏ qua các nhóm để nhận nhiều tài liệu hay 1. Ngữ văn THPT 2. Giáo viên tiếng anh THCS 3. Giáo viên lịch sử 4. Giáo viên hóa học 5. Giáo viên Toán THCS 6. Giáo viên tiểu học 7. Giáo viên ngữ văn THCS 8. Giáo viên tiếng anh tiểu học 9. Giáo viên vật lí Để tải trọn bộ chỉ với 50k, vui lòng liên hệ qua Zalo 0898666919 hoặc Fb: Hương Trần